Wap Miễn Phí

Tìm kiếm

Oan hồn người vợ trẻ

Về đây đã hai ngày rồi mà Thiện vẫn chưa bước ra tới đầu ngõ. Suốt ngày anh chỉ quanh quẩn trong khuôn viên ngôi nhà mà người bạn đã có nhã ý cho mượn để Thiện ở trong hai tháng hầu hoàn thành luận án tiến sĩ mà anh sẽ trình trong tháng sau, có nghĩa là sau lễ cưới chưa đầy hai tuần. - Cậu gì ơi! Thiện quay lại đã thấy một ông lão đang vẫy tay về phía mình. Ngạc nhiên, nhưng Thiện vẫn bước ra cổng lễ phép hỏi: - Dạ, bác kêu cháu? - Phải. Thấy cậu là người lạ, hình như một tới nơi này sao chưa đi chơi quanh đây, cảnh ở đâu đẹp lắm. Thiện hơi bất ngờ về sự quan tâm của ông lão, tuy nhiên anh vẫn thấy thích thú bởi sự quan tâm này: - Dạ thưa bác, lúy nữa này cháu còn hơi mệt nên chưa ra ngoài. Có lẽ lát nữa cháu sẽ đi. Cháu cũng nghe nói nơi này cảnh quang đẹp lắm. - Nếu cậu có hứng thú thì đi theo lão, lão có biết một nơi lạ lắm, chắc là cậu sẽ thích! Tự dưng Thiện đâm ra tò mò và anh cũng bất ngờ với chính mình khi nhận lời: - Dạ, cháu sẽ đi với bác. Anh định thở vào lấy theo chiếc máy ảnh, nhưng như biết ý ông lão nói: - Cậu không nên chụp hình nơi nào mình thấy nó không thích hợp để chụp hình. Tuy thắc mắc, nhưng thấy chưa tiện hỏi nên Thiện im lặng đi theo. Chừng hơn mười lăm phút sau, Thiện đã phải ồ lên: - Đẹp quá! Ông lão cười hiền hòa: - Chỉ mới một phần thôi, cái bác này càng bước sâu vào bên trong càng đẹp. Cậu thích ở đây hay còn muốn tới chỗ kia, nơi có một hang động rất ngộ nghĩnh? Vừa nghe, Thiện đã thích thú nay: - Gần không bác? - Cách chỉ chưa đầy hai trăm mét. Nếu muốn cậu có thể theo tôi. - Dạ, bác cho cháu đi với! Thiện chạy theo được một đoạn thì lại phải reo lên: - Đẹp quá! Cái thác nước này quá đẹp nhưng chỉ tiếc là con người chưa biết khai thác nó. Ở Đà Lạt này người ta chưa biết tới nó, chỉ quanh quẩn nào Datanla, Cam Ly, Prenn, Gougah, Pongour. Nó bị bỏ quên cậu ơi! - Đây là thác Dambri, nó đẹp nhất trong cái thác ở vùng này vậy mà cho tới năm Tân Hợi này vẫn chưa ai nghĩ tới huyện khai thác nó. Đó, cậu thử nhìn xem. Thiện mải mê nhìn ngắm, khi quay lại thì chẳng còn thấy ông lão đâu. Anh kêu lên: - Bác ơi! Không nghe tiếng đáp, Thiện đành phải một mình bước tới. Nghĩ là ông lão ở trong động đá trước mặt, nên Thiện lại gọi: - Bác ơi! Lần này không có tiếng đáp cha ông cụ, mà chỉ có tiếng dội lại từ tiếng gọi của anh. Thiện bước vào hang động với đầu óc trống rỗng, cho đến khi anh giật mình bởi trước mắt là một tảng đá rất to, chứ chẳng còn lối đi nữa. Thì ra đây chỉ là một hang động rất nông, không thể gọi là một hang động như nhiều hang động sâu hun hút khác. Hơi thất vọng bởi lời giới thiệu về hang động của ông lão, anh vừa định quay ra thì chợt thoáng thấy có những dòng chữ trên vách đá chắn ngang. Những dòng chữ này lúc mới vào chưa quen nhìn trong bóng tối thì không thể nhìn thấy, còn bây giờ Thiện có thể đọc được từng chữ một... "Một thuở yêu người, ngàn năm không hết nhớ... Nửa tuần trăng mật, suốt kiếp khó phôi pha...". Bài thơ còn khá dài, nhưng trong bóng tối không thể đọc hết được một lúc, nên Thiện phải mò mẫm khá lâu... Cuối cùng anh phải ngừng lại vì ở đoạn sâu do màu đá sậm lên rất khó đọc. Tuy nhiên với hai câu trên Thiện cảm giác thích thú, anh cứ lẩm nhẩm đọc lại nhiều lần, đến thuộc lòng. Một thuở yêu người, ngàn năm không hết nhớ... Nửa tuần tăng mật, suốt kiếp khó phôi pha... Mải mê đọc thơ mà Thiện quên cả thời gian. Khi anh bước ra ngoài thấy mặt trời đã lên khỏi đỉnh đầu. Nhìn đồng đồ tay, Thiện giật mình: - Đã hơn ba giờ rồi! Thiện tìm ông lão một lần nữa nhưng cũng chẳng thấy đâu. Khi anh về nhà thì chị giúp việc đã đưa một cái túi bằng thổ cẩm và nói rất rõ ràng: - Của một cô gái lạ gửi cho cậu. Cô ấy nhắn rằng, cậu đừng mất công tìm hiểu xem cô ấy là ai, bởi rồi đây cô ấy sẽ trở lại gặp cậu. Đã nghe chị ấy nói như vậy thì Thiện còn hỏi gì nữa. Anh cầm cái túi định xem bên trong chứa vật gì, nhưng chỉ giúp việc đã nói: - Cô ấy dặn cậu chỉ được mở ra khi ờ phòng riêng. Thiện về phòng mở chiếc túi ra ngay và thật bất ngờ khi thấy có một bộ quần áo nữ bằng lụa rất đẹp trong đó. Lại là bộ đồ ngủ! Hầu như suốt từ đó đến tối Thiện không tài nào nghĩ ra người gửi giỏ đồ cho mình là ai. Có hỏi lại chị người làm Tư Thủy thì cũng chẳng hiểu thêm được thêm chút gì, nên Thiện chỉ biết mang thắc mắc đó cho đến lúc đi ngủ. Mà nào có dễ ngủ đâu, phải đến hơn mười hai giờ thì Thiện mới chợp mắt được... - Người gì mà ngủ như chết, khách vào nhà cũng không hay! Lúc đầu tuy có nghe giọng nói đó, nhưng Thiện cứ tưởng mình nằm mơ, nên anh vẫn nằm im. Sau nửa phút thì giọng ấy lại cất lên: - Giữ đồ của người ta mà không trả thì làm sao đây? Lạnh lắm! Thiện cảm giác như có ai đó chạm vào chân mình, rất nhột, nên phải bật dậy. Và một lần nữa giọng nói lại cất lên, lần này ngay sát tai anh: - Trả bộ đồ cho em! Thiện lạnh cả người, anh còn đang lúng túng thì bàn tay của một phụ nữ đã chạm vào tay mình, cùng với lời thúc giục: - Mau trả lại bộ đồ cho em, em lạnh lắm! - Cô... cô là... Câu nói của Thiện chưa dứt thì vô tình trong lúc sờ soạng anh đã chạm vào một tấm thân với quần áo đẫm nước, lạnh như băng! - Cô... Thiện chỉ nói được tới đó, rồi người như bất động, chỉ cử động được khi đã có sự tiếp sức của người con gái lúc ấy gần như đã ghì chặt lấy anh, đầu nàng ta gục vào cổ anh như đang hút máu! Trong khi Thiện như bị điện giật, máu trong người như buôn chảy ra không kiểm soát được thì giọng nàng thân thiết hơn: - Lát nữa em lấy lại bộ đồ đó nghe! Thiện cố nói cho rõ ràng, bởi lúc ấy anh hầu như không còn kiểm soát được mình: - Cô là người gửi tôi cái giỏ? - Chứ còn ai dám vào đây khi anh nợ em bộ đồ! - Nhưng... cô gửi, chứ nào tôi có ý lấy đâu? - Nhưng tại sao em lại gửi cho anh chứ không phải là ai khác? - Cái đó... Thiện ấp úng đến tội nghiệp, trong lúc cô nàng chủ động đẩy anh nằm xuống và nói một cách cương quyết: - Lát nữa chính anh phải mặc đồ lại cho em, nếu không thì em lại... tồng ngồng như lúc đến mà ra về đó. Thiện giật mình: - Cô tới đây mà không... mặc gì hết? Cô gái cười khúc khích: - Mặc, nhưng ướt hết rồi! - Nhưng... nhưng lỡ có ai thấy thì sao? Nàng đáp tỉnh khô: - Có người thấy rồi! Thiện hốt hoảng: - Trời ơi, người ta thấy thì... Nàng lại cười ngặt nghẽo: - Người duy nhất nếu có thấy thì là anh! Như bây giờ... Thiện thở phào: - Vậy mà cứ tưởng... Thiện không nói thêm được lời nào nữa và hầu như hoàn toàn bất động. Cô gái lại nói thì thầm bên tai anh: - Anh còn nợ em điều này nữa. Bài thơ mà anh thuộc lòng là của em. Thiện reo lên: - Em đã viết lên vách đá, thảo nào nét chữ bay bướm quá nhĩ! - Thuộc thơ của người ta vậy mà chẳng nghe đọc lại gì hết! Hay là đã quên ngay rồi? Thiện buột miệng đọc ngay hai câu thơ thuộc từ vách đá. Xong, anh đột ngột hỏi: - Cô là gái đã có chồng? Cô nàng chợt thở dài rồi im lặng, chứ không luôn miệng liến thoắng như lúc đầu. Thiện nghĩ có lẽ mình đã chạm vào tự ái cô ta nên lên tiếng: - Tôi xin lỗi... Anh muốn bật dậy nhưng lúc ấy tuy cô nàng không đè cắn cổ anh nữa, nhưng Thiện cũng không làm sao nhúc nhích được. Anh đành lặp lại câu nói: - Tôi xin lỗi... - Chỉ xin lỗi suông vậy thôi sao? Nợ người đến hai lần, mà bây giờ... - Thế cô muốn tôi phải làm sao nữa? - Anh phải cưới em! Câu nói đó khiến cho Thiện hốt hoảng: - Cô nói sao? - Anh phải cưới em để trả hết nợ! Nàng vừa nói xong thì nhảy xuống giường liền. Lúc này Thiện mới cử động được, anh nhảy theo. Nhưng thoắt một gái, nàng đã rất nhanh bước ra khỏi phòng. Lúc này Thiện mới hoàn hồn bước theo. Chẳng thấy bóng dáng nàng ta đâu... Chợt ngớ đến bộ quần áo trong giỏ xách, Thiện lấy và chạy theo ra tới vườn ngoài. Anh gọi lớn: - Cô... cô gì ơi! Sáng hôm sau khi tỉnh dậy, Thiện nhìn thấy chiếc giỏ xách vẫn còn đó, nhưng khi xem lại thì bên trong không có bộ quần áo mà thay vào đó là một đôi dép nữ. Như vậy có nghĩa là lúc anh ngủ cô gái đã trở lại. - Cô gì ơi! Thiện gọi lần nữa nhưng cũng như lần trước, anh lại thất vọng. Đặt chân xuống giường, tính bước ra ngoài và Thiện phát hiện là toàn thân mình đau nhức như vừa trải qua cơn bạo bệnh. Phải đến hơn sáu giờ thì cơn choáng váng trong anh mới đỡ dần, Thiện lại gấp gáp trở ra thác nước. Dưới chân tảng đá bài thơ, có bộ quần áo vứt bừa ra đó, bên cạnh có một chiếc lá to nằm đè lên. Thiện định vứt chiếc lá đi để cầm bộ đồ lên xem thì chợt nhìn thấy trên lá có lòng chữ viết vội: "Giặt sạch rồi mắc trong phòng, em sẽ tới lấy! Cám ơn trước - Yến Vỹ". Thiện giật mình: - Cô nàng tên là Yến Vỹ? Nhìn kỹ lại bài thơ trên vách đá, bên dưới có hai chữ viết tắt YV. - Thơ của cô ấy! Thiện còn đang tần ngần thì chợt nghe có tiếng nói phía sau lưng: - Sao bây giờ cậu mới ra? Quay lại thì thấy ông lão hôm qua đang đứng nhìn mình chăm chú, Thiện reo lên: - Kìa bác, cháu đang muốn tìm... Ông lão vẫn nụ cười hiền hòa: - Bác biết. Nhưng phải để cho cậu gặp cô ấy đã... - Cô Yến Vỹ? Ông lão nhẹ gật đầu: - Phải. - Bác biết cô ấy? - Chẳng những biết mà còn thân nữa. - Bác và cô ấy có quan hệ thế nào? Tại sao... Giọng ông lão buồn buồn: - Ta chính là... ông ngoại của nó. Tội nghiệp con nhỏ, chỉ một ngần ấy tuổi đầu mà đã vướng bao nhiêu khổ đau cho đến lúc chết vẫn không yên thân! Câu nói của ông ta khiến Thiện giật mình: - Bác nói sao? Cô... cô ấy đã chết? Cô Yến Vỹ... Giọng ông gần như khóc: - Nó đã là người cõi âm rồi! Thiện nhớ lại cuộc gặp gỡ đêm qua mà bắt rùng mình. Giọng anh run run: - Vậy sao cháu và cô ấy mới gặp đêm qua? Cô ấy... Ông lão chợt nói: - Tốt hơn hết là cậu hãy chấm dứt quan hệ với nó... - Nhưng thưa bác, cháu muốn một lần nữa gặp để... Xua tay nhanh, ông lão nghiêm giọng: - Không nên! Một lần là quá đủ. Cậu đã giúp cháu nó như vậy là coi như cậu đã hy sinh rồi. Tôi không muốn lại có thêm một mạng người nữa... Thiện hốt hoảng: - Bác nói mạng người nào? Ông lão bỗng ôm mặt như đang ân hận điều gì, giọng ông trở nên khó nghe: - Tôi chẳng qua là... chiều lòng nó... nó bảo phải tìm cho ra người nhà họ Đoàn... mà cậu là người đầu tiên và chắc cũng là người duy nhất... Thiện quá đỗi ngạc nhiên: - Người họ Đoàn? Nhưng cháu đâu phải người họ ấy. Cháu họ Dương mà. Cháu là bạn của nhà ấy. Ông lão vụt ngẩng lên, sắc mặt biến đổi: - Cậu nói... cậu không phải họ Đoàn? - Dạ, hoàn toàn không. Cháu chỉ tới ở trọ trong nhà ấy một thời gian thôi. Nhưng có chuyện gì vậy bác? Ông lão kêu lên hai tiếng trời ơi, rồi lại ôm lấy đầu: - Tôi đã sai rồi! Tôi hại cậu rồi! Thiện ngơ ngác: - Chuyện gì vậy bác? Bác có làm gì cháu đâu? Ông già bất thần chụp tay Thiện, hỏi lớn: - Cháu và nó đã có... làm gì với nhau chưa? Thiện không định nói, nhưng sau khi nghe ông lặp lại lần thứ hai với vẻ mặt hốt hoảng, anh đành phải gật đầu: - Dạ có... Ông lão buông tay ra, thảng thốt: - Trời ơi! Ông như muốn bỏ chạy đi, cũng may là Thiện chụp lại kịp: - Bác nói rõ hơn cho cháu nghe. Hại là hại thế nào? Ông lão suy sụp hoàn toàn. Người ông co rúm lại, giọng trở nên thều thào: - Chỉ vì quá thương cháu, thấy nó chịu cảnh thảm thương đó nên ta mới đành lòng... chứ ta đâu có muốn thêm một mạng người nữa bị chết oan... Một mình nó là đủ rồi... - Bác nói gì cháu không hiểu? Bất chợt lão đưa tay chỉ vào Thiện và nói: - Cậu chính là... người tiếp theo! Thiện ngơ ngác: - Cháu! Nhưng tiếp theo để làm gì? - Để chết! Câu trả lời rất rõ ràng, nhưng Thiện cứ nghĩ mình nghe lầm: - Bác nói... Không để cho Thiện nói thêm, ông lão nói một hơi: - Con Yến Vỹ bị người ta hại phải chết oan, hồn phách nó lang thang không nơi nương tựa nên ta phải luôn theo nó, nuôi nó hết chốn này đến chốn khác, cũng chỉ muốn có có cái ăn, cái mặt để không phải làm con ma đói. Nhưng chính ta cũng không ngờ là sự lang thang của vong hồn nó là có ý đồ... Nó muốn tầm thù. Nó muốn trả thù nhà họ Đoàn! - Vậy cô ấy đã làm được chưa? Lại chỉ vào Thiện một lần nữa: - Gặp rồi, là cậu đó! Thiện trợn tròn mắt: - Sao lại là cháu? Ông già thở dài: - Có thể do lầm lẫn thôi. Con Yến Vỹ bảo ta đi tìm người nhà họ Đoàn, một nam nhân, khi thấy cậu xuất hiện trong ngôi nhà đó sau hơn hai chục năm không có ai ở, ta cứ tưởng đó chính là người mà cháu ta đang cần tìm, nên ta đã gặp cậu thuyết phác cậu tới nơi này để cho Yến Vỹ tiếp xúc và... Chợt hiểu ra, Thiện chép miệng: - Cháu bị hiểu lầm. Nhưng cháu nghĩ, rồi cô ấy sẽ nhớ ra, cô ấy đâu nỡ hại cháu! Ông lão lại thở dài: - Chậm mất rồi. Sau khi cậu và nó có quan hệ thân xác với nhau thì đã chậm quá rồi! Thiện giật mình: - Cháu đâu có ngờ... vả lại đó là cô ấy chủ động... Ông lão gật đầu: - Tất nhiên là do nó muốn rồi. Mà cậu có muốn biết tại sao nó lại làm vậy không? Ông ngừng một lúc rồi nói tiếp: - Vong hồn nó về báo cho ta biết rằng nó muốn được sớm đi đầu thai kiếp khác mà không được. Bởi ở cõi âm chỉ cho phép những người chết bình thường, chết do tuổi già hay đau bệnh được sớm tiêu diêu. Còn những người như nó thì phải kiếm người thế mạng mới được ra đi. Nó chọn nhà họ Đoàn, bởi nhà đó có mối hận thiên thu với nó. Chính họ đã cưỡng bức nó rồi giết chết, thả trôi theo dòng thác này. Chính nó... Ông lão hình như không còn sức để nói nữa... Rồi bất thần ông đứng lên, bước đi khập khiễng nhưng vẫn cố bước. Thiện lo sợ: - Vậy cháu phải làm sao đây bác? Ông nói vọng lại: - Để ta cố. Cậu gặp ta ở lầu... lầu... Chỉ nói được tới đó rồi ông ta gần như kiệt sức, ngã nằm dài trên đá. Thiện hốt hoảng chạy tới đỡ ông dậy: - Kìa bác, bác có sao không? Ông lão không động đậy nữa. Mắt ông ta nhắm nghiền chẳng khác người đã chết, Thiện hoảng quá, anh không kịp suy nghĩ thêm, đã bế xốc ông lên chạy bay về xóm dân cư gần đó. Đang chạy bỗng có người nhận ra, đã kêu lên: - Ông lão lang thang đây mà! Thiện dừng lại hỏi: - Chị biết ông lão này? Người phụ nữ kia đáp: - Biết chứ. Ông ấy là ông già cô đơn, không thân nhân, không biết nhà cửa ở đâu, nhưng về xóm này và cư ngụ trong ngôi nhà hoang gần nghĩa địa đằng kia. Ông lão bị sao vậy? - Ông bị ngất ở ngoài thác nước, tôi tình cờ... Chị nọ nói: - Cậu đã làm ơn thì làm ơn cho trót, đưa giùm ông ấy về nhà đi. Ngôi nhà hoang nó người ta hay gọi là lầu ma, gần nghĩa địa! Nói xong chị ta đi ngay. Thiện đành phải bế ông lão đi tiếp. Cũng may ngôi nhà gọi là lầu ma đó không xa, nên trước khi kiệt sức thì Thiện cũng đã đưa được ông lão vào nhà, sau khi một cậu bé đánh xe bò đi ngang qua đã xác định ông lão ngụ ở đây. Vừa ngẩng lên sau khi đặt ông lão xuống chiếc chõng tre, Thiện đã giật mình kêu lên: - Cô nàng? Anh thấy ở góc nhà có một chiếc bàn thờ, trên đó có một khung ảnh bán thân của một cô gái mà vừa chợt nhìn thấy Thiện đã kêu lên: - Yến Vỹ! Tiếng kêu của Thiện rất khẽ, gần như là kêu chỉ mình anh nghe, nhưng chẳng hiểu sao lại làm cho khung ảnh rơi xuống đất và vỡ toang! Hốt hoảng, Thiện vội cúi xuống nhặt nó lên. Trong lúc chạp vội, một ngón tay của anh đã bị cứa đứt khá sâu. Thiện cố nén đau để cầm được bức ảnh lên. Lúc này một bên khung kính đã bị bể, lộ ra một góc ảnh đã bị một vết máu rơi làm nhòe đi. Bằng phản ứng tự nhiên, Thiện lại chạm tay vào đó như để chặn vết máu loang nhiều hơn lên ảnh. Nhưng hành động của Thiện lại khiến cho vết máu loang ra rộng hơn, phút chốc nó loang tới trán và mắt. Chẳng hiểu sao, tự dưng vết máu đó chảy xuôi theo hai khóe mắt cua tấm ảnh và... tạo thành hai giọt nước mắt màu đỏ như máu! - Trời ơi! Thiện không phải ngạc nhiên mà là sợ! Anh gọi khẽ: - Cô Yến Vỹ, tôi xin lỗi... Anh định nói nữa, nhưng lúc ấy chẳng hiểu quá xúc động hay tay run vì mất máu, Thiện lại để khung ảnh rớt xuống lần nữa. Nhưng lần này nó không vỡ, trái lại khi vừa chạm đất thì tự nhiên nó bay trở lên và... đứng đúng vị trí ban đầu. Thiện chắp hai tay lại, khấn rất thành tâm: - Tôi xin lỗi đã xúc phạm tới cô. Lòng tôi không muốn... Lời nói đó của Thiện chưa dứt đã nhận ngay một cái tát vào mặt, mà chẳng thấy người tát là ai? Muốn kêu lên, nhưng lúc ấy chợt Thiện nhìn vào đôi mắt của cô gái, sau màu máu hình như hai tròng mắt đang lay động. Anh im lặng, bước lùi như muốn kiếm đường tháo lui! Bỗng phía sau lưng Thiện có người lên tiếng: - Cứu người là quan trọng, cớ sao lại để người ta nằm đó chứ? Quay lại không thấy ai, chỉ có ông lão nằm im như chết ở đó. Thiện không dám chần chừ, anh định bước ra ngoài để tìm mưa lọ dầu, nhưng thật bất ngờ, anh nhìn thấy ai đó đã để lọ dầu gió và một ly sữa nóng ngay bên cạnh ông lão. Thiện xoa dầu, lát sau ông lão tỉnh lại. Vừa nhìn thấy anh, ông đã nhẹ giọng nói: - Cậu đã thoát nạn bước đầu. Nhưng tốt hơn hết là đi đi. Cậu nên rời khỏi chỗ này sớm chừng nào tốt chừng ấy! Tôi xin lỗi cậu... Thiện vẫn chưa hết thắc mắc: - Nhưng bác xin lỗi về chuyện gì? - Chuyện tôi nhìn lầm cậu, cứ tưởng cậu là con cái nhà họ Đoàn. Để cậu lâm vào cảnh ngộ này là điều ngoài ý muốn. Nhìn thấy vết máu trên ngón tay Thiện, ông lão hốt hoảng nói: - Ai làm cậu chảy máu vậy? - Dạ, vừa rồi cháu vô tình làm rơi khung hình trên bàn thờ, mảnh kính vở đâm vào cháu... Ông lão bật ngồi dậy và nhìn về bức ảnh còn thấm máu, ông kêu lên: - Cậu cần phải đi ngay đi, kẻo không kịp nữa! Thiện kinh ngạc: - Chuyện gì vậy bác? - Máu của cậu đã thấm vào hồn ma của nó thì cậu nhập vào nó rồi, nó sẽ... Ông nói tới đó thì gần như nghẹt thở, giống như bị ai đó bóp cổ. Thiện phải hỏi to: - Bác làm sao vậy? Ông lão gần như líu lưỡi: - Đi... đi liền đi! Cậu đừng... Ông vội kéo mạnh Thiện xuống, khiến cho anh mất thăng bằng ngã nhoài đè lên thân thể ông. Anh chợt nghe một giọng nói rất khẽ từ miệng ông lão: - Được rồi, tôi trả nợ cho cậu... Tôi chết để cho cậu được sống... Rồi ông ta im lặng, hai tay xuôi xuống... Thiện hốt hoảng: - Bác! Anh đưa tay sờ lên mũi ông lão thì phát hiện ông đã ngừng thở... Từ Bảo Lộc về, Thiện bị bệnh nằm gần hai tuần. Người anh lúc nóng lúc lạnh và hễ cử nhắm mắt thì lại như nghe có ai đó gọi tên mình! Thiện phải uống thuốc an thần liên tục thì tình trạng đó mời chấm dứt. Nhưng có những điều mà Thiện chẳng thể nào hiểu nổi, đó là mỗi khi anh được mẹ nhắc tới ngày cưới thì anh nghe tiếng khóc nức nở ở đâu đó rất gần mà chẳng biết là ai. Bởi vậy sáng nay vừa thấy bóng mẹ bước vào phòng, Thiện đã phải lên tiếng trước: - Con biết rồi... bữa nay mình phải qua bên nhà Diệu Hương để lo cho lễ cưới. Má đừng nói gì hết, để con chuẩn bị. Thiện âm thầm chuẩn bị, thay quần áo và tự mang sính lễ rồi ra dấu cho mẹ cùng đi mà không dám nói gì. Như thế mà yên. Cho đến khi diễn ra cuộc nói chuyện giữa hai bên sui gia thì xảy ra một bất ngờ! Cô chị Diệu Hạnh chạy ra nói với mẹ: - Con Diệu Hương bỗng nhiên phát sốt rồi bứt tóc bứt tai la hét om sòm trong phòng! Bà Hai Phấn kinh hãi chạy vào ngay. Vừa nhìn thấy mẹ, Diệu Hương đã ôm chầm lấy và tiếp tục gào khóc. Bà Phấn lo sợ: - Con bị bệnh gì nói má nghe coi, đừng làm má sợ. Có má chồng con và thằng chồng... Bà nói tới đó thì Hương đã la lớn: - Đuổi anh ta về đi! Bảo anh ta đi đi! Bà Năm, mẹ của Thiện cũng có mặt ở ngoài, bà vội lên tiếng: - Có má đây con, thằng Thiện nó đang bị bệnh mà cũng ráng qua đây, nếu con bệnh nhiều thì để nó đưa đi khám thầy thuốc. Diệu Hương vùng la lớn: - Mấy người đi hết đi, tôi sợ mấy người! Bà Phấn thất thần: - Con sao vậy Hương? Bà nhìn sang Thiện cầu cứu: - Con coi nó bị sao vậy? Thiện nắm lấy tay Diệu Hương, bỗng anh kêu lên: - Tay em sao vậy? Cảm giác lạnh như băng đang chạy rần khắp thân thể Thiện, đồng thời anh bị đẩy lùi ra xa đến mấy mét! Hai bà mẹ đều kêu lên: - Sao vậy? Bà Năm kịp đỡ con mình, nhưng phải buông tay ra ngay, bởi hơi lạnh từ người Thiện truyền sang khiến bà phải kêu thét lên: - Con sao vậy Thiện? Thiện đang ngơ ngác nhìn Diệu Hương thì nàng đã lên tiếng: - Mấy người đi ra khỏi chỗ này ngay! Cả mẹ mình, Hương cũng xua đuổi: - Bà cũng đi ra luôn! Tôi bảo đi! Nhìn con với vẻ ái ngại, nhưng bà Phấn cũng đành phải kéo tay bà sui gia ra ngoài. Giọng bà run run: - Lạy trời lạy Phật, xin cho con tôi bình yên! Rồi bà gần như năn nỉ Thiện: - Con có cách nào giúp má với! Mẹ sợ quá... Thiện có một linh tính hơi lạ, anh lẩm bẩm: - Không lẽ... Rồi anh nói riêng với mẹ: - Má ở dây chờ con một lát. Anh bước vội ra ngoài trước sự ngạc nhiên của bà Phấn: - Nó đi đâu vậy chị sui? Bà Năm lắc đầu: - Tôi cũng không biết. Thiện bước thật nhanh về phía trước mặt, con đường hoàn toàn xa lạ nhưng như được ai đó đưa lối nên anh đi không chút lúng túng. Lát sau, dừng lại bên một cây to, nhìn xuống có một cái miếu nhỏ nằm dưới gốc cây, Thiện cúi xuống nhặt lên một chiếc khăn tay của ai đó, rồi nhanh tay cho vào túi quần và bước thật nhanh trở lại nhà. Bước vào nhà trước sự ngạc nhiên của hai bà mẹ: - Con đi đâu vậy? Thiện không đáp, anh đi thẳng vào phòng chỗ Diệu Hương đang nằm. Nhìn thấy cô nàng nhắm nghiền mắt như đang ngủ, Thiện nhẹ đặt chiếc khăn đó lên mặt cô, rồi bước lui ra khỏi phòng mà chẳng nói lời nào. Chừng năm phút sau, bỗng từ trong Diệu Hương bước ra, sắc diện bình thường, tươi tỉnh như chẳng có gì xảy ra. Bà Phấn kinh ngạc: - Con đây hả, Hương? Cô nàng cười tươi: - Chứ má tưởng con là ai? Chợt nhìn thấy chiếc khăn tay con đang cầm, bà Phấn càng ngạc nhiên hơn: - Phải chiếc khăn mà sáng sớm nay con quát ầm lên nói là phơi rồi bị mất đây không? Diệu Hương đáp tỉnh táo: - Anh Thiện mới vừa đem về cho con! Bà Năm hỏi con: - Con lấy nó ở đâu vậy? Thiện đáp: - Nơi người ta cố tình đem giấu. Bà Phấn ngạc nhiên: - Ai đem giấu? Thiện chưa kịp trả lời thì Diệu Hương đã nói: - Con cám ơn người đã trả lại cho con vật tưởng đã mất! Rồi cô như chẳng có chuyện gì xảy ra, quay sang mẹ: - Sao chưa lo đám cưới cho con vậy? Bà Phấn mừng khôn tả: - Con thật sự không còn... như lúc nãy phải không? Con làm má sợ quá... Diệu Hương giục: - Ngày mai là rước dâu rồi sao má còn ở đó nói lung tung gì vậy! Con có sao đâu? Bà Năm kề tai nói khẽ với bà sui: - Chắc nó bị cái gì ám lúc nãy, giờ thì chắc hết rồi. Cám ơn bề trên. Bà hỏi khẽ Thiện: - Con làm gì mà nó tỉnh lại vậy? Thiện lắc đầu: - Con đâu biết. Con chỉ đi lấy vật cô ấy mất đem về... - Sao con biết nơi chiếc khăn bị giấu? Thiện vẫn lắc đầu: - Con cũng không biết. Mà thật sự Thiện hoàn toàn không biết, bởi anh hành động như bị ai đó sai khiến. Mãi đến khi hai người đứng riêng ra ở một góc sân, Diệu Hương mới nói khẽ với anh: - Anh chậm một chút nữa thì đám cưới ngày mai coi như bỏ! Giọng nói của Hương nghe hơi lạ, nhưng ngoài Thiện ra khó ai mà hiểu được... Bà Phấn bàn tiếp với bà sui trai chuyện đám rước dâu ngày mai: - Như mình tính rồi, ngày mai khi bên chị qua thì bên này sẽ theo đưa dâu khoảng hai chục người. Nhưng cái khó cho bên tôi là hiện giờ ông cậu con Diệu Hương, người sẽ giúp đứng ra chủ hôn, đáng lý đã đến từ hôm qua, mà tới giờ này vẫn chưa thấy đến. Vậy nếu giờ chót mà cậu ấy vẫn chưa có mặt thì chắc phải nhờ người khác. Ngặt nỗi con Hương lại không chịu nhờ ai trong dòng họ ở đây cả, nó đòi phải đúng ông cậu đó thôi. Tôi đang lo... Vừa lúc ấy, từ ngoài cửa bước vào một người mà vừa trông thấy bà Phấn đã reo lên: - Cậu Tư, chờ cậu dài cổ ra, sao bây giờ mới qua? Một ông lão mà chẳng riêng bà Phấn ngạc nhiên, sự xuất hiện của ông đã làm cho Thiện trợn tròn mắt, kinh hoảng: - Kìa, sao... sao lại là bác? Đó là ông ngoại của Yến Vỹ, người đã chết khi bị Thiện ngã đè ở Dambri! Chính Thiện đích thân chôn cất cho ông trước khi về, sao bây giờ lại ở đây và... Anh không nghe ông lão nói, liền hỏi lại: - Sao bác lại... sống? Ông già ngơ ngác: - Cậu là ai? Mà sao tôi lại... không sống? Cả hai câu hỏi và đáp đó khiến cho hai bà mẹ đều ngơ ngác: - Con nói gì vậy Thiện? Con... quen với cậu Tư? Thiện không đáp câu hỏi của bà mẹ vợ, mà quay sang hỏi ông lão: - Bác thật sự không nhớ cháu? Chính con đã ở Dambri, đã chôn... Ông lão quay sang bà Phấn: - Phải thằng này là chồng con Diệu Hương không? Nó nói gì mà tôi không hiểu? Thiện nghi là ông ta không nhớ, nên cố nói: - Bác là ông ngoại của Yến Vỹ mà! Chính bác đã... Vừa nói tới đó thì Thiện nghẹn lại, như có ai chặn họng mình. Anh cố nói tiếp, nhưng càng cố thì có cảm giác ngạt thở. Trong khi đó thì giọng ông già vẫn thản nhiên: - Trai tráng bây giờ mới ngần này tuổi mà đã lẫn rồi! Tôi có gặp nó bao giờ đâu và tôi có ở Dambri gì đó đâu mà nó cứ cả quyết... Bà Năm phải nhắc con: - Chắc là con lầm với ai đó rồi. Thiện từ phút đó như người mất hồn. Ngồi nói chuyện mà thỉnh thoảng anh cứ liếc nhìn ông lão, khiến cho Diệu Hương cũng phải nói riêng với anh: - Để ý làm gì chuyện đó. Chúng ta đi ra sau vẫn đi. Em hái mấy thứ trái cây gửi về cho mấy đứa cháu bên nhà. Thiện theo cô ra ngoài mà vẫn không hết thắc mắc về ông lão. Lát sau anh không dừng được, phải nói: - Anh không thể lầm dược, ông ấy chính là... Lại một lần nữa, cổ họng anh như bị nghẹn lại và đầu óc Thiện quay cuồng! Anh lại nghe có tiếng khóc văng vẳng bên tai. Sau buổi sáng rước dâu về nhà, trong lúc cả nhà đang vui vẻ tiệc tùng thì ông cậu Tư, tức ông lão mà Thiện nhìn lầm là ông ngoại của Yến Vỹ đã đột ngột biến mất!

Lên đầu
Xuống cuối